Chân giò hầm măng khô là món ăn quen thuộc của người dân Việt Nam đặc biệt là những người sống ở phía Bắc. Món ăn được làm từ hai nguyên liệu quen thuộc là chân giò và măng khô. Món ăn tưởng chừng như phức tạp nhưng nếu để ý bạn vẫn có thể tự làm tại nhà để chiêu đãi cả nhà.
Cách nấu chân giò hầm măng khô đơn giản
Giò heo hầm măng khô là món ăn hơi cầu kỳ nhưng không phải là không thể làm. Thậm chí chỉ cần xem công thức trên mạng là bạn có thể tự tay làm được món ăn thơm ngon đãi cả nhà.
Giò heo là nguyên liệu quen thuộc trong mỗi căn bếp của gia đình với nhiều cách chế biến khác nhau như luộc, hầm, kho, giả cầy… Món chân giò nấu măng khô dưới đây có vị ngọt của chân giò, mùi thơm của măng khô và gia vị sẽ hấp dẫn bất cứ ai ngay từ lần đầu thưởng thức.
Không chỉ thế, chân giò còn được biết đến là thực phẩm bổ dưỡng với nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Trong chân giò có chứa canxi, lipid, protid, vitamin (B, A) Cysteine, myoglobin và giàu collagen giúp phục hồi sức khỏe, phòng bệnh thiếu máu, tác dụng an thần rất tốt.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Chân giò heo: 1 cái c (chọn chân trước)
- Măng khô: 300gr
- Mộc nhĩ, nấm hương.
- Ớt (1 quả); hành khô (2 củ); hành lá (10gr).
-
Gia vị: Hạt tiêu, hạt nêm, muối, mắm, dầu ăn.
Cách làm món móng giò nấu măng khô
Làm giò heo nấu măng khô cần thực hiện qua nhiều bước khác nhau. Nếu áp dụng đúng quy trình cũng như nêm nếm gia vị đúng liều lượng, đảm bảo món ăn của bạn sẽ ngon như ở ngoài tiệm. Theo đó, làm món ăn này theo các bước như sau:
- Măng khô rửa sạch, ngâm nước vo gạo trong khoảng 3 – 4 hôm, cần thay nước mỗi ngày để loại bỏ độc tố cũng như vị đắng của măng sau đó đem rửa sạch nhiều lần.
- Móng giò làm sạch, ngâm nước vo gạo (hoặc nước muối loãng) trong khoảng 30 phút. Sau đó, đem móng giò chần sơ nước sôi cùng củ hành tím thái lát rồi vớt ra rửa lại thật sạch. Đem ướp chân giò cùng 1 thìa canh nước mắm, 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê hạt nêm và ½ thìa cà phê hạt tiêu trong khoảng 30 phút.
- Bắc nồi lên bếp, cho dầu ăn đun nóng, cho chân giò vào xào săn, thêm nước đun sôi vào ninh cho mềm. Thỉnh thoảng dùng muỗng vớt bỏ bọt cho nước trong.
- Măng khô sau khi ngâm xong đem xé sợi nhỏ, phần cuống dùng dao thái miếng bao diêm vừa ăn. Sau đó, đem luộc măng 3 – 4 nước (khi luộc nhớ mở vung) rồi vớt ra, rửa sạch và ướp măng với chút mắm, muối, hạt nêm. Phi thơm hành khô cùng rồi cho măng vào xào săn lại rồi múc ra bát để riêng.
- Mộc nhĩ, nấm hương ngâm cho nở, rửa sạch, thái miếng. Phi thơm hành tím rồi cho mộc nhĩ, nấm hương vào xào săn.
- Tiếp đến, cho măng, mộc nhĩ, nấm hương vào nồi hầm móng giò, đun ở lửa nhỏ cho tới khi móng chín mềm, măng ngấm vị là được. Nêm nếm gia vị cho vừa miệng, thêm hành ngò rồi tắt bếp.
Lưu ý khi áp dụng cách nấu măng khô chân giò
Món măng khô hầm giò heo đã hoàn thiện. Thành phẩm sau cùng phải đạt điều kiện là thịt chân giò mềm ngon, măng khô giòn sần sật, ngấm vị, nước vàng óng ả rất hấp dẫn. Để làm được như vậy, trong quá trình chế biến, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Măng khô cần phải ngâm và luộc kỹ để loại bỏ độc tố cũng như giúp măng nở căng đều, mềm ngon hơn.
- Sau khi sơ chế, măng cần ướp với gia vị cho đỡ nhạt vị rồi đem nấu 2 lửa (xào và ninh cùng xương) sẽ giúp măng ngấm trọn vị, kết tinh được những tinh túy ngọt ngào từ nước dùng sẽ ngon hơn.
- Ngoài móng giò, bạn cũng có thể thay thế hoặc sử dụng thêm xương sườn, xương ống vào hầm cùng (tùy theo sở thích của mỗi người).
- Khi thêm nước vào nồi hầm móng giò bạn nên thêm nước nóng (có thể sử dụng nước luộc gà, nước đun sôi). Đây là bí quyết vừa giúp nồi nước dùng được trong, óng vàng, không bị đục vừa giúp nước ngọt vị hơn.
Trên đây là cách làm món chân giò hầm măng khô. Tết đang đến gần, đây là thời điểm các gia đình miền Bắc thường nấu nồi canh măng lớn, rồi bữa nào ăn sẽ múc ra đủ dùng hâm lại, phần còn lại để ngăn mát tủ lạnh dùng dần. Với công thức không quá phức tạp, bạn đã sẵn sàng tinh thần chiêu đãi cả nhà món ăn ngon này chưa?