Lâm Thượng là vùng đất mang trong mình nhiều nét văn hóa độc đáo, đặc sắc đậm nét người Tày. Hàng năm nơi đây diễn ra các hoạt động lễ hội văn hóa khác nhau trong đó không thể không nhắc đến lễ hội “Pay Tái”.
Lễ hội “Pay Tái” được đọc theo tiếng Tày có nghĩa là “đi nhà ngoại”, đây là lễ hội lớn của người dân tộc Tày, Nùng chỉ sau tết Nguyên Đán và thường được tổ chức vào ngày 14,15/07 âm lịch. Đây là dịp để con rể, cháu ngoại dâng lễ vật cúng tổ tiên bên ngoại, cũng là dịp để con gái sau khi lấy chồng trở về chi ân, báo hiếu công ơn cha mẹ đã sinh thành, dưỡng dục. Cứ mỗi dịp rằm tháng 7, mỗi gia đình nhỏ lại tạm gác lại công việc đồng áng và nô nức chuẩn bị lễ vật để mang sang nhà ngoại để thể hiện sự biết ơn của người con rể đối với bố mẹ vợ đã có công sinh thành và nuôi dưỡng con gái đến khi trưởng thành để mình kết duyên. Vì vậy, dù có ở nơi nào thì người con rể cũng chuẩn bị lễ để mang sang nhà ngoại vào dịp đặc biệt này.
Theo phong tục của người Tày Lâm Thượng nói riêng và người Tày Lục Yên nói chung, trong ngày lễ thường có một mâm cúng như: Thịt vịt, cá bống, canh măng mai, pẻng ít (tiếng Tày), xôi… đây là những món ăn không thể thiếu trong dịp rằm tháng bảy. Những món ăn này góp phần giúp mâm cúng cũng như ngày lễ diễn ra trọn vẹn hơn.
Bên cạnh phần lễ, phần hội như các hoạt động vui chơi, quảng bá văn hóa người Tày cũng được diễn ra hết sức nhiệt tình và sôi nổi. Người dân nơi đây đã chuẩn bị nhiều hoạt động giao lưu và các tiết mục văn nghệ mãn nhãn để phục vụ cho du khách từ nơi khác ghé thăm. Trong đó không thể không kể đến tiết mục múa đồng diễn vô cùng hoành tráng, với sự tham gia của 19 thôn bản và 300 người khiến cho ngày lễ càng thêm đặc sắc, hấp dẫn. Ở đây du khách được chiêm ngưỡng những điệu múa uyển chuyển cùng nón kết hợp cùng với bộ trang phục truyền thống càng làm cho nét văn hóa của người Tày được thể hiện rõ nét.
Khi du khách đến với ngày hội Pay Tái có thể trải nghiệm được các trò chơi, phần thi hấp dẫn và vô cùng lý thú.
Như cuộc thi đi cà kheo, đây là trò chơi dân gian tiêu biểu hầu như ai cũng biết đến. Cà kheo được làm từ cây tre hoặc trúc, lấy từ trên đồi hoặc xung quanh nhà nhười dân, làm cà kheo phải chọn thân cây thẳng, không quá già, cũng không quá non, có độ dẻo bền. Thân cây mang về được hơ qua lửa để nắn thẳng, sau đó hong sấy nhằm bảo quản chống mối mọt. Cà kheo có hai thanh gỗ ngang, một thanh ở phía trước và một thanh ở phía sau, được gắn với hai thanh gỗ dọc. Người đi cà kheo sẽ sử dụng hai thanh gỗ ngang để giữ thăng bằng. Mỗi thôn sẽ chọn ra một người ra để thi đấu, ban tổ chức sẽ cho các đội bốc thăm thi đấu, người chơi sẽ phải đứng lên trên cà kheo và đi đến vạch đích. Để đi được cà kheo đòi hỏi người chơi phải có sự khéo léo và tỉ mỉ nếu không sẽ rất khó đứng vững và bước đi.
Hay như trò chơi đánh quay, đây là trò chơi lâu đời từ thời các cụ, các bà và đến nay các em nhỏ vẫn còn chơi. Đồ chơi là con quay bằng gỗ hình nón cụt, có chân. Dùng một sợi dây, quấn từ dưới lên trên rồi cầm một đầu dây thả thật mạnh cho quay tít. Con quay của ai quay lâu nhất, người đó thắng. Không chỉ các bạn nhỏ chơi chò này mà các bà, các ông cũng tham gia, họ như được quay lại tuổi thơ khiến mọi người vô cùng thích thú.
Ngoài ra, còn có cuộc thi đan nón lá. Chiếc nón là là biểu tượng của người dân Việt Nam và cũng là vật dụng không thể thiếu của người dân tộc Tày Lâm Thượng, nón lá thường xuất hiện cùng bà con khi họ ra đồng và nay trở thành một cuộc thi để thể hiện sự khéo léo cũng như kinh nghiệm của người dân để tạo ra vật dụng quen thuộc mà mình sử dụng hàng ngày.
Quy trình làm nón lá vô cùng phức tạp và trải qua nhiều công đoạn, ở đây người dân chủ yếu dùng lá cọ để làm nón. Cuộc thi này hầu như sẽ là các bà tham gia vì để tạo ra một chiếc nón lá đẹp thì cần những người có kinh nghiệm lâu năm như các bà. Để làm ra được chiếc nón các bà phải tạo khuôn nón sau đó sẽ đến bước đặt lá lên khuôn, công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận nhất là khi đặt xoay lá trên khuôn. Người làm nón phải có kinh nghiệm mới xoay lá đều, đẹp. Sau đó dùng kim chỉ để chằm nón và cuối cùng là nức vành và buộc quai nón, các bà sẽ vót một đến hai cọng nan trúc có thân dẹp nhỏ dài dễ uốn cong, cặp vào vành vành cuối của nón để khi nức vành nón được tròn và chắc chắn, nón sử dụng được lâu bền.
Một hoạt động mới và vô cùng thú vị trong ngày hội “Pay Tái” năm 2024 đó là trải nghiệm đánh cá bằng lưới trên suối Lâm Thượng. Ở đây, du khách có thể trải nghiệm đứng quăng lưới trên chiếc bè được làm bằng tre. Lưới đánh cá là một tấm lưới tròn với chì gắn trên mép lưới. Người chài quăng lưới làm sao cho nó trải rộng ra trước khi ụp xuống nước, kỹ thuật này gọi là quăng lưới hay quăng chài. Khi kéo lưới về thì cá mắc vào lưới. Công cụ đơn giản này đặc biệt hiệu quả khi bắt cá mồi và cá ăn nhỏ, và đã được con người tận dụng trong hàng ngàn năm. Quăng lưới không đơn giản là ném lưới xuống nước mà nó đòi hỏi người quăng phải có lực tay và lưới phải trải rộng để đảm bảo bắt được cá. Khi quăng lưới nên tránh những nơi có chướng ngại như cây cối và chỗ nước siết.
Một trò chơi vô cùng hấp dẫn làm tăng thêm sự phấn khích và tiếng cười cho mọi người chính là cuộc thi bịt mắt bắt vịt. Các thôn sẽ cử ra một người chơi tham gia vào trận đấu. Trên sân sẽ được vây lại 1 vòng tròn sau đó thả vào đó 1 con vịt, những người chơi sẽ phải bịt mắt lại và bắt đầu “hành trình” tìm kiếm và bắt vịt, ai bắt được vịt trước thì sẽ giành chiến thắng. Cuộc thi nhìn đơn giản nhưng lại vô cùng khó, vì vịt có thân hình nhỏ và vô cùng linh hoạt vì vậy việc bắt được nó là rất khó. Bên cạnh đó tiếng reo hò cổ vũ của mọi người cũng khiến cuộc thi trở nên hấp dẫn và sôi động hơn.
Vấn tóc là một nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Tày, mỗi khi khoác lên mình bộ trang phục dân tộc thì người phụ nữ sẽ vấn tóc, khiến họ trở nên xinh đẹp và dịu dàng hơn. Phụ nữ thường đội khăn nhuộm chàm, khăn vuông gấp xéo, có hai dải vải đỏ nhỏ buộc về phía trước trán, đuôi khăn lật về phía sau. Ngày nay các bà, các cụ ở đây hầu như ai cũng vấn tóc, vì từ xưa họ đã quen với cách vấn này. Vấn tóc vừa gọn gàng mà khi nhìn vào lại toát lên nét đẹp tỉ mỉ của người phụ nữ. Vì vậy, trong ngày lễ lớn này không thể bỏ qua cuộc thi vấn tóc, cuộc thi này vừa giúp người phụ nữ dân tộc Tày thể hiện được sự khéo léo, tỉ mỉ của mình vừa tạo vai trò thúc đẩy lưu giữ nét đẹp truyền thống cho thế hệ trẻ.
Để thể hiện rõ nét văn hóa của địa phương, trong lễ hội “Pay Tái” không thể nào thiếu các gian hàng đến từ các thôn trong xã Lâm Thượng. Mỗi gian hàng lại mang một vẻ độc đáo riêng biệt, hấp dẫn mọi người ghé thăm ngắm nhìn. Trong gian hàng sẽ trưng bày các dụng cụ quen thuộc gắn liền với người dân nơi đây như cuốc, xẻng, ngọc đựng cá – một vật dụng dùng để đựng cá khi đi câu cá ở suối, các loại rổ… Những món ăn đặc sản nổi tiếng của Lâm Thượng như cá bống, măng mai, vịt bầu… hay các loại bánh, các loại thuốc cổ truyền và những bộ trang phục truyền thống của người Tày. Có gian hàng sẽ cho thuê những bộ trang phục ấy để du khách có thể trải nghiệm cảm giác trở thành các chàng trai, cô gái người Tày. Trang phục của người Tày chủ yếu bằng vải bông nhuộm chàm đen cho cả nam, nữ và trẻ em, ít hoặc không trang trí hoa văn. Phụ nữ Tày mặc áo năm thân có thắt lưng bằng vải chàm gấp lại buộc phía sau, bên trong mặc một chiếc áo ngắn (áo ngắn may không cổ kiểu giống áo bà ba). Đàn ông mặc áo tứ thân cổ tròn, khuy vải hoặc cúc và quần lá tọa. Phụ nữ thường đội khăn nhuộm chàm, khăn vuông gấp xéo, có hai dải vải đỏ nhỏ buộc về phía trước trán, đuôi khăn lật về phía sau. Đồ trang sức chủ yếu dùng chất liệu bằng bạc, như vòng cổ, vòng tay của phụ nữ, dây xà tích…
Để phục vụ cho du khách đến thăm quan và chụp ảnh làm kỷ niệm, người dân đã xây dựng một mô hình ngôi nhà sàn nhỏ gồm 2 gian để du khách có thể hiểu rõ hơn về cấu trúc của nhà sàn và cách sinh sống của bà con nơi đây, ngoài ra còn thể hiện được nét độc đáo và kiến trúc khác biệt của ngôi nhà so với những ngôi nhà của các dân tộc khác. Để dựng được một ngôi nhà sàn người thợ phải trải qua bước chọn gỗ vô cùng tỉ mỉ và tiến hành đong, đo, cắt các thanh gỗ và ghép lại với nhau. Những người thợ có nhiều năm kinh nhiệm sẽ bắt đầu vào dựng và hoàn thiện ngôi nhà. Bên cạnh đó, một chiếc nón lá khổng lồ cũng được tạo ra từ những đôi tay khéo léo của những người phụ nữ trong thôn vừa tạo sự thích thú, hấp dẫn mọi người chụp ảnh vừa mang lại giá trị văn hóa của dân tộc Tày.
Lễ hội “Pay Tái” của người dân tộc Tày, Nùng tại xã Lâm Thượng đến nay đã được tổ chức 2 năm và mang lại nhiều giá trị văn hóa, thể hiện được bản sắc dân tộc độc đáo. Không chỉ giúp địa phương phát triển hơn mà còn giúp quảng bá văn hóa, ẩm thực nơi đây đến với mọi người. Hy vọng lễ hội này sẽ được tiếp tục phát triển trong nhiều năm nữa, để lưu giữ lại truyền thống tốt đẹp này của người dân tộc Tày, Nùng – truyền thống tri ân, báo hiếu cha mẹ.